Trang bị những kỹ năng sống quan trọng cho trẻ
Việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ ngay từ những năm đầu đời là điều vô cùng quan trọng. Những kỹ năng này sẽ là hành trang giúp trẻ dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh, hòa đồng và tự tin giao tiếp với mọi người, biết cách xử lý, ứng phó với những tình huống gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Vậy trẻ cần trang bị những kỹ năng sống nào? Hãy cùng TBS tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé.
1. Kỹ năng sống cho trẻ theo từng giai đoạn
Tùy vào độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ mà trẻ sẽ cần có những kỹ năng khác nhau. Do đó, ba mẹ cần chú ý đến nhu cầu và sự phát triển để trang bị cho trẻ những kỹ năng sống thật sự cần thiết. Dưới đây là danh sách những kỹ năng cơ bản mà trẻ cần có theo từng giai đoạn, ba mẹ có thể tham khảo.
Kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non:
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Kỹ năng tự vệ và phòng tránh nguy hiểm
Kỹ năng sắp xếp đồ đạc ngăn nắp
Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng kiên trì, tự vượt qua khó khăn
Kỹ năng sống cần thiết cho học sinh tiểu học:
Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Kỹ năng tham gia giao thông
Kỹ năng dọn dẹp nhà cửa
Kỹ năng tự sơ cứu vết thương
Kỹ năng chi tiêu hợp lý
Kỹ năng sinh tồn ở nơi hoang dã
Kỹ năng bơi lội
Kỹ năng sống cần thiết cho học sinh Trung học Cơ sở:
Kỹ năng tự phục vụ bản thân
Kỹ năng xác định mục tiêu cuộc sống
Kỹ năng quản lý và sắp xếp thời gian hiệu quả
Kỹ năng quản lý và điều chỉnh cảm xúc
Kỹ năng tự ý thức và đánh giá bản thân
Kỹ năng giao tiếp và ứng xử
Kỹ năng hợp tác và chia sẻ
Kỹ năng nói trước công chúng
Kỹ năng đối mặt và xử lý các tình huống trong cuộc sống
Kỹ năng đánh giá người khác.
Kỹ năng sống cần thiết cho học sinh Trung học Phổ thông:
Kỹ năng lắng nghe, quan sát, đưa ra ý kiến
Kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân và cộng đồng
Kỹ năng làm việc theo nhóm
Kỹ năng tư duy logic, sáng tạo
Kỹ năng ứng xử
Kỹ năng quản lý cảm xúc, tình cảm
Kỹ năng đánh giá, nhận thức về hành vi xã hội
Kỹ năng tự tin diễn đạt, trình bày ý kiến và thuyết trình trước đám đông
Kỹ năng sinh tồn ở mọi hoàn cảnh.
2. Ba mẹ có thể rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ như thế nào?
Kỹ năng tự lập, tự phục vụ bản thân:
Đây là kỹ năng cơ bản nhất mà trẻ cần có để bắt đầu hòa nhập với môi trường tập thể sau này. Ba mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ từ những kỹ năng đơn giản nhất như: để trẻ dọn bàn ăn và tự ăn cơm, tự tắm rửa và mặc quần áo, sắp xếp phòng ngủ và khu vực vui chơi. Ba mẹ nên nhớ, chỉ can thiệp khi con cần giúp đỡ và chỉ làm ở mức độ hỗ trợ chứ không phải làm thay con mọi thứ. Phải để con tự ý thức được đâu là việc của mình để trẻ sống có trách nhiệm hơn.
Kỹ năng quản lý cảm xúc
Kỹ năng quản lý cảm xúc rất cần thiết với trẻ trong suốt quá trình phát triển. Việc duy trì trạng thái cảm xúc cân bằng và tâm lý ổn định sẽ giúp trẻ phát huy tốt khả năng học tập và sáng tạo, dễ dàng đạt được thành công. Để rèn luyện kỹ năng này, ba mẹ cần dạy con cách nhận biết cảm xúc khi chúng xuất hiện và phân biệt các cảm xúc với nhau bao gồm cảm xúc tích cực và tiêu cực. Sau đó, hãy hướng dẫn con cách xử lý các cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh và đưa ra các phản ứng thích hợp.
Kỹ năng làm việc nhóm
Không ai có thể làm được tất cả mọi việc một mình mà đều cần có những người bạn, đội nhóm giúp đỡ, đó là lý do trẻ cần có kỹ năng làm việc nhóm. Khi làm việc nhóm, con sẽ phát triển được những kỹ năng xã hội và cách để xây dựng cũng như duy trì các mối quan hệ. Ba mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại, trại hè, vui chơi cùng bạn bè mỗi kỳ nghỉ. Trong mỗi nhóm bạn sẽ có những bạn tài giỏi về một mặt nào đó, hoặc còn hạn chế về mặt nào đó, lúc này con sẽ biết cách học hỏi và chia sẻ cũng như giúp đỡ mọi người.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp được xem như cơ bản nhất mà mỗi người đều phải có. Việc giao tiếp ứng xử như thế nào cho khéo léo, thông minh và lịch sự cũng là một kỹ năng cần rèn luyện. Đối với gia đình, ba mẹ nên dạy trẻ cách giao tiếp như thế nào cho phù hợp khi gặp người lớn, bạn bè bằng tuổi hay các em nhỏ hơn mình. Ngoài giao tiếp bằng lời nói thì ba mẹ cũng nên dạy bé các hình thức giao tiếp khác như: ngôn ngữ cơ thể, chữ viết sao cho linh động và phù hợp với từng hoàn cảnh.
Kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Có thể thấy tình hình xã hội hiện nay rất phức tạp, nguy hiểm rình rập khắp mọi nơi mà chúng ta không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để bảo vệ con, do đó, hãy dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân cũng như cách xử lý các tình huống nguy hiểm. Ba mẹ hãy đặt ra những tình huống và dạy con xử lý những tình huống đó, có thể thực tập cùng con sau đó rút ra bài học để con ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, ba mẹ nên nhắc lại nhiều lần hoặc kiểm tra trẻ sau khi học để biết được mức độ hiểu và tiếp thu của trẻ đến đâu, từ đó có hướng rèn luyện phù hợp hơn.